Khác với Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới – chỉ có công ty (pháp nhân) mới sử dụng con dấu, ở Hàn Quốc, mỗi người (cá nhân) đều sử dụng con dấu (hay còn được gọi phổ biến là dojang- 도장) thay cho chữ ký.
Đây cũng là một nét văn hóa làm ngạc nhiên nhiều người nước ngoài khi mới đến Hàn Quốc.
Mỗi công dân Hàn Quốc đều sở hữu một con dấu cá nhân dùng thay cho điểm vân tay và chữ ký. Họ giữ gìn truyền thống dấu mộc từ bao đời nay tới tận bây giờ.
Từ tháng 1/2012 chính phủ Hàn Quốc mới chính thức cho phép đăng ký sử dụng chữ ký cho các giấy tờ quan trọng, đương nhiên vẫn có thể dùng dấu mộc cá nhân.
Dấu mộc cá nhân chia làm 2 loại:
1. Con dấu bình thường (개인도장) dùng cho các giấy tờ thông thường (có thể thay bằng chữ kí). Loại con dấu này có thể sử dụng đóng lên các giấy tờ không quan trọng như nhận hàng bưu điện, xác nhận đã thanh toán…
2. Con dấu đại diện bản thân (인감도장) dùng cho các giấy tờ quan trọng (cũng có thể thay thế bằng chữ kí đại diện đã đăng ký). Thường những con dấu này mang tính pháp lí cao. Ví dụ: Con dấu sử dụng trong ngân hàng, hợp đồng buôn bán…
Cả dấu mộc đại diện bản thân và chữ kí cá nhân trong các trường hợp quan trọng đều phải mang tới văn phòng chính quyền địa phương (동사무소) nơi mình sinh sống để đăng ký (인감도장 신청하기).
Khi mang con dấu tới chỉ cần đưa con dấu là người phụ trách văn phòng chính quyền sẽ quét con dấu của bạn để nhập vào hệ thống quản lý nhà nước.
Đối với những giao dịch quan trọng như hợp đồng mua nhà, mua xe, giao dịch rút tiền ở ngân hàng… sau khi bạn dùng con dấu đã đăng ký lên chính quyền địa phương, người ta còn yêu cầu bạn phải cung cấp Giấy xác nhận con dấu (인감확인서). Có thể hiểu đây là giấy xác nhận con dấu này là dấu đã được đăng ký.
Con dấu được làm từ các chất liệu khác nhau (gỗ, nhựa, đá, sừng,…) và giá tiền cũng từ đó mà khác nhau.
Dấu phổ biến là dấu mộc (làm từ gỗ tre, trúc)
Loại sang hơn là dấu làm từ chất liệu sứ, đá hoa cương, sừng bò
Bên dưới là một tiệm làm con dấu kiêm luôn copy chìa khoá. Ngày trước muốn có một con dấu thì người ta phải tìm tới người thợ làm thủ công bằng tay nhưng hiện nay được thay thế hoàn toàn làm bằng máy móc, nhanh chóng và chính xác.
Ngày nay, các bạn cũng có thể chọn và đặt mua con dấu online trên các trang bán hàng.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi vẫn thích các tiệm đóng dấu hơn. Đây là một nét truyền thống mà họ nghĩ là cần phải duy trì trong đời sống hiện đại.
Trên con dấu cá nhân có thể khắc tên theo tên Hán Hàn hoặc tên Hàn ngữ (tên người Hàn được sử dụng từ tên Hán Hàn và phiên âm sang tên Hàn nên có thể một tên giống nhau nhưng về ngữ nghĩa thì sẽ khác nhau).
Đứng trước một sự kiện trong đại của đời người: lễ trưởng thành, bắt đầu đi làm, bắt đầu mua nhà, kết hôn… người Hàn Quốc cũng hay tặng nhau những bộ dấu với thông diệp: Hãy thành công với con dấu mới này!
Hộp đựng con dấu cũng được trang trí rất cầu kỳ
Trẻ em Hàn Quốc tốt nghiệp cấp 1 thường được nhà trường hay bố mẹ làm tặng cho 1 con dấu cá nhân. Đó cũng là lý do 90% người Hàn Quốc quen với việc sử dụng con dấu cá nhân thay cho chữ ký từ nhỏ. Truyền thống này cũng thật hay phải không nhỉ?
Ai được phép đăng ký con dấu?
Nếu là người nước ngoài sống ở Hàn Quốc, bạn cũng có thể đăng ký con dấu với điều kiện:
- Trên 18 tuổi
- Có thẻ cư trú người nước ngoài
Nếu là người nước ngoài, bạn có thể khắc họ hoặc tên lên con dấu của mình, với điều kiện họ & tên phải đúng như trong thẻ cư trú.
Link gốc: https://thongtinhanquoc.com/con-dau-ca-nhan/ |